Điện Biên – miền đất của anh hùng, của lịch sử ở miền Tây Bắc Tổ quốc cũng là miền đất của những sản vật núi rừng độc đáo, đậm sắc hương sơn cước. Trong những ngày Tết đã cận kề, hãy cùng với Hương Duyên tìm hiểu những thức quà đặc sắc của Điện Biên để có cơ hội làm phong phú thêm mâm cỗ và những giỏ quà Tết dành cho người thân yêu nhé.
Gạo Điện Biên
Có lẽ không ai trong chúng ta là chưa từng nghe đến “gạo Điện Biên”. Cái tên “Điện Biên” như một bảo chứng cho chất lượng trứ danh của những hạt gạo dẻo thơm, vừa trắng trẻo vừa đậm đà, như chứa trong mình tinh hoa của miền sơn cước mà không nơi đâu có được. Khi ngày Tết đang cận kề, gạo Điện Biên sẽ là một món quà quý để trao nhau, góp thêm cho mâm cỗ Tết hương thơm của hạt gạo trắng trong, dẻo bùi.
Chẳm chéo
Nhắc đến ẩm thực Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, không thể không nhắc đến chẳm chéo, thứ gia vị độc đáo đã thành một huyền thoại. Chẳm chéo có nguyên liệu chủ yếu là quả mắc khén. Mắc khén là một cây thuộc thân gỗ cao, thuộc họ hồi và ra hoa thành những chùm. Vào tháng 11 hàng năm, những hoa mắc khén li ti bắt đầu kết thành quả chín và cũng là thời điểm để thu hoạch. Quả mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng rồi được giã mịn trộn chung với ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tàu xắt nhỏ rang khô, (cũng được giã thành bột mịn) và sả. Chéo thường được dùng làm gia vị ăn kèm cho các món: xôi nếp nương, bắp cải cuốn nhót xanh, thịt thú rừng… Ngoài ra còn được dùng để nướng cá… Mỗi món đều cho ra hương vị đặc biệt.
Xôi nếp nương Điện Biên
Cùng với gạo Điện Biên, xôi nếp nương chính là một đặc sản chứa đậm hồn phách núi rừng. Cách đồ xôi nếp nương khá công phu, gạo nếp phải được ngâm trong nhiều giờ liền khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi phải được đồ trong chõ gỗ đặc biệt của dân tộc, chín bằng hơi, mềm dẻo chứ không dính tay, qua hai lần đồ mới dẻo thơm. Sau khi đồ lần thứ nhất, người ta đổ ra rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau lại cho vào chõ và tiếp tục đồ cho đến khi xôi chín đều. Nhờ có cách nấu kỳ công như vậy mà xôi có hương thơm, vị dẻo bùi làm người ta nhớ mãi. Để món xôi thêm đặc sắc, người ta có thể dùng các loại cây rừng để “nhuộm” cho xôi có những sắc màu rực rỡ như xanh, đỏ, tím, vàng.
Thịt trâu gác bếp
Một trong những món ăn sang chơi Tết được “săn lùng” nhất ở miền Bắc những năm gần đây chính là thịt trâu gác bếp. Khi thịt bò khô đã không còn sự mới lạ thì thịt trâu gác bếp là một lựa chọn thay thế tuyệt vời. Thớ thịt trâu dày dặn, săn, ngọt đậm đà, thơm mùi thơm dịu của thịt và gia vị, của mùi khói nồng nàn mà không cháy khét, hương vị thơm ngon ấy sẽ càng được tôn vinh hoàn hảo khi nhâm nhi cùng bia hay rượu ngon, làm nên một phong vị rất riêng của ngày Tết.
Gà đen Tủa Chùa
Cái tên Gà đen Tủa Chùa xuất phát từ tên huyện Tủa Chùa – nơi sở hữu giống gà đen quý hiếm đã nổi tiếng từ nhiều năm qua. Gà Tủa Chùa là giống gà đen từ xương, thịt, nội tạng và lông tơ mềm đều một màu đen tuyền. Chúng có hương vị rất ngọt và thơm, thịt săn chắc lại bổ dưỡng, từ lâu đã được coi là một vị thuốc, một tài sản quý của người Mông. Do đặc tính khó nuôi, cần nhiều kỹ thuật chăm sóc và sức chống chịu với thời tiết lạnh giá thấp, gà đen Tủa Chùa đang dần trở nên quý hiếm hơn. Mong rằng trong tương lai, giống gà quý này sẽ được dần dần nhân rộng hơn nữa, để ta có thêm nhiều cơ hội được tận hưởng “món quà” quý báu của miền sơn cước này.